Top 10 mẫu động cơ Nhật được đánh giá cao nhất
09:58 | 22/05/2018
Các động cơ góp mặt trong danh sách đều là "trái tim" của 10 mẫu xe huyền thoại của Nhật Bản như Skyline GT-R, Supra, S2000 hay Evo X v.v... nhưng tiêu chí không hẳn dựa trên sức mạnh mà còn đến từ các yếu tố khác như độ bền, tính ổn định.
1. Nissan SR20DET
Tên tuổi của “cỗ máy chống đạn” này là không phải bàn cãi khi nó quá nổi tiếng với các tín đồ xe hơi Nhật.Xuất hiện lần đầu tiên trong series Nissan S từ năm 1993 trên những chiếc S13 cho đến S15 vào năm 2002, SR20DET nổi tiếng vì nó rất dễ độ và có thể sản sinh được công suất rất cao mà không gặp chút rắc rối nào.
Bạn có thể thay vào đó 1 cục turbo to hơn và sẵn sàng “đạp chân lưng dính ghế”, công suất tiêu chuẩn của cỗ máy này dao động từ 180hp – 250hp tuỳ theo phiên bản sản xuất.
Bên cạnh đó thì phụ tùng nâng cấp cũng rất phổ biến, và bạn có thể dễ dàng tìm thấy video của ai đó trên mạng hướng dẫn cách thay thế và lắp ráp thế nào.
Tiện thể, để các bạn dễ hình dung thì SR là mã động cơ; 20 là dung tích máy (2.0L); D là cam đôi (duel overhead camshaft); E là phun xăng điện tử (electronic fuel injection); và T là tăng áp (turbo charged).
2. Mazda Rotary Wankel
Đây phải nói là động cơ huyền thoại của Mazda với khả năng vận hành đã được kiểm chứng của toàn thế giới qua các mẫu xe như RX7, RX8 và chiếc xe từng giành chiến thắng tại LeMans: 787B.Động cơ rotary vẫn có 4 chu kỳ như các động cơ sử dụng piston nhưng theo nguyên lý khác. 1 rotor hình tam giác được quay lệch tâm trong buồng đốt, qua đó xăng và gió được hoà trộn và nén qua việc tiếp xúc với thành buồng đốt. Nguyên lý được giải thích đơn giản qua hình dưới đây:
Động cơ rotary hoạt động rất mượt mà, ít rung lắc và nhẹ hơn, nó có thể đạt được tua máy rất cao đồng nghĩa với công suất được cải thiện đáng kể. Nếu bạn muốn “độ” công suất động cơ thì chỉ có cách tăng số rotor lên giống như chiếc 787B sử dụng 4 rotor.Nhược điểm của động cơ này là hao tốn khá nhiều nhiên liệu, hay rò rỉ dầu và bảo dưỡng cũng cần thường xuyên hơn động cơ sử dụng xylanh.
3. Toyota 2JZ
Động cơ này vẫn đang gây nhiều tranh cãi liệu nó có phải là động cơ số 1 của làng JDM (Japanese Domestic Market) hay không.Cỗ máy Inline 6 3.0L chính là trái tim của chiếc Supra kinh điển với khả năng chứa đựng và sản sinh sức mạnh khủng khiếp.
Vẫn giống như các động cơ chuyên dùng để độ của Nhật thì thị trường “đồ chơi” của 2JZ là bao la, với sự ổn định cực tốt thì hiện tượng “vẫy” kim đồng hồ vòng tua hay thường thấy tại các cuộc thi drift không phải là vấn đề. Nó có thể hoạt động ở cường độ cao trơn tru mà không gặp phải vấn đề gì.
4. Nissan RB26DETT
Động cơ Nissan tiếp theo không thể không nhắc đến là cỗ máy nằm dưới nắp capo của chiếc R34 “Godzilla” GT-R.Đây không phải là 1 mẫu động cơ được sản xuất đại trà cho các xe ở nhiều phân khúc khác nhau, tuy nhiên vẫn giống như các động cơ nổi tiếng tại Nhật, tên tuổi của RB26DETT đến từ sự ổn định, khả năng sản sinh công suất lớn và hơn hết là “dễ độ”.
Được sản xuất trong khoảng thời gian từ năm 1989 đến 2002, động cơ này được sử dụng trên các mẫu xe của Nissan như:Nissan Skyline GT-R BNR32; Nissan Skyline GT-R BCNR33; Nissan Skyline GT-R BNR34; Nissan Skyline Autech GTS-4 ENR33 GTS-4; Nissan Stagea 260RS WGNC34 và Tommykaira ZZII (concept).
Mình cắt nghĩa thêm về tên của động cơ này: RB là mã động cơ, 26 là dung tích 2.6L, D là duel overhead camshaft, E là electronic fuel injection và TT là twins turbo.
5. Subaru Boxer
Danh sách này sẽ thật thiếu sót nếu bỏ qua cỗ máy độc đáo của Subaru, không phải vì công suất mà là tính ổn định khi lái xe.Được thiết kế dạng phẳng giống như một chiếc hộp và đem lại độ cân bằng nhờ vào trọng tâm thấp cũng như giảm run lắc tốt hơn do các piston được đặt ở góc 180 độ và chuyển động theo chiều đối xứng nhau.
Subaru trung thành với động cơ boxer vì thiết kế của nó có trọng tâm thấp do các piston được nằm ngang dẫn đến sự ổn định hơn khi vào cua so với động cơ có trọng tâm cao hơn (Inline/V-line).
Bên cạnh đó là hình dáng nhỏ gọn và tạo nên ít lực li tâm hơn so với các động cơ khác, qua đó lực sinh ra khi đánh lái cũng nhẹ nhàng hơn.
Kế đến là yếu tố an toàn, khi có va chạm thì động cơ boxer có khuynh hướng trượt về phía dưới chân người lái hơn và tạo ít chấn động cho hành khách hơn.
Đối với các tay đua thì động cơ boxer nhẹ hơn, mượt mà hơn và còn được trang bị tăng áp (WRX/STi).
6. Honda F20C
Honda cũng có cho mình niềm tự hào mang tên F20C khi đây là động cơ 2.0L hút khí tự nhiên sản sinh công suất tối đa 250hp tại 8600 vòng/phút trước khi đạt tới giới hạn vòng tua tại 9000 vòng/phút.F20C đã vinh dự 4 lần liên tiếp nhận giải Top 10 động cơ tốt nhất từ năm 2000 đến 2003. Trước khi Ferrari F458 xuất hiện thì F20C là động cơ thương mại hút khí tự nhiên mạnh nhất từng được sản xuất.
7. Mitsubishi 4G63T
4G63T là phiên bản tăng áp của động cơ 2.0L Inline 4 4G63 và được sử dụng trên các mẫu xe đua của Mitsubishi tại giải World Rally Championship (WRC) như Galant VR4, Lancer Evolution, Carisma GT.Ngay cả khi chưa được độ thì nó đã sản sinh ra được công suất 271hp tại 6500 vòng/phút và 370Nm tại 3500 vòng/phút.
Mẫu xe đình đám Lancer Evo VIII khi sử dụng động cơ này vẫn không hề thua kém Lamborghini Murciélago, Audi RS8 và 911 Carrera 4S tại trường đua trong chương TopGear. Và dĩ nhiên, việc độ 4G63T cũng không quá phức tạp như các mẫu động cơ Nhật đã kể trên.
8. Honda K20A
Được sử dụng trên các mẫu xe như Civic Type R (2001-2006), Integra Type R (2001-2006), Accord Euro R (2002-2008) và Civic Type R (2007-2011). Phiên bản từ năm 2001-2006 trên Civic Type R cho ra công suất 212hp tại 8000 vòng/phút và 202Nm tại 7000 vòng/phút sau đó được nâng cấp lên với công suất cao nhất là 221hp tại 8000 vòng/phút và 215Nm tại 6100 vòng/phút.K20A thừa hưởng một số chi tiết như bánh đà, piston, valve nạp/xả, và trục cam từ chiếc NSX-R, bên cạnh đó thì lốc máy sẽ được lắp ráp bằng tay bởi 1 kỹ sư trước khi hoàn thành.
K20A được biết đến nhờ độ bền cũng như sự ổn định trong vận hành.
9. Toyota 2ZZ GE
Các động cơ 2ZZ là thế hệ thứ hai trong gia đình ZZ của Toyota. Dung tích 2ZZ vẫn ở mức 1.8L giống như 1ZZ, áp dụng công nghệ Valve biến thiên VVTL-I, lốc máy và đầu xylanh được làm từ nhôm để giảm trọng lượng và tăng khả năng chịu nhiệt.Độ dài xylanh được giảm xuống 6.5mm và tăng đường kính lên 3mm, tỉ số nén cũng được tăng lên 11.5:1, trục cam cũng được lập trình để hoạt động với 2 mức vòng tua cao và thấp khác nhau. Kết quả là động cơ này có giới hạn vòng tua trên 8000 vòng/phút và công suất cực đại lên đến 190hp.
Hãng Lotus thậm chí đã đẩy công suất tối đa của động cơ này lên mức 240hp với việc tích hợp thêm bộ supercharged (siêu nạp).
10. Nissan VR38
Thông thường khi được chỉ định làm phiên bản kế nhiệm cho 1 động cơ huyền thoại, phiên bản mới bị đặt rất nhiều nghi vấn. Và với các tay chơi Nhật, liệu VR38 có được những ưu điểm như RB26 hay không?Và động cơ mới được trang bị trên chiếc GT-R R35 này đã xoá bỏ các nghi vấn đó, dung tích 3.8L twin turbo V6, từ công suất 500hp tiêu chuẩn, vẫn sử dụng tăng áp “zin” thì con số 600hp không phải là vấn đề, thay đổi tăng áp thì 750hp vẫn ổn với các bộ phận “zin” khác. Và công suất tối đa, 1500hp và có thể hơn với các bộ kit nâng dung tích lên đến 4.6L.
Tin tức khác
© Copyright 2016 S-service, All rights reserved